LÒNG THAM CỦA GIUĐA
Giuđa được nhắc nhiều đến trong khuôn mặt như là một con người “lừa thầy phản bạn”. Ông đã trở
thành một mẫu gương mà người ta nhìn vào để tránh lập lại những hành động đó.
Thậm chí còn sử dụng mô típ của ông để miệt thị nhau, kiểu như: "mày là
thằng Giuđa bán Chúa!", hay đại loại như thế!
Ngoài điều đó, nơi Giuđa
còn gì nữa không?
Có một vài ý kiến cho rằng việc nộp Chúa Giêsu cho Pharisêu của Giuđa là ông muốn ép Chúa Giêsu vào thế phải phản kháng, muốn đẩy Thầy lên làm vua theo kiểu bị dồn vào đường cùng thì phải đấu tranh để sinh tồn. Bởi vì sau nhiều lần dân chúng tung hô Chúa, muốn Chúa Giêsu làm vua nhưng Ngài đều từ chối và lánh đi nơi khác. “Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn
làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Giuđa ham thích viễn cảnh của quyền lực, tự do, sẽ có được một khi Thầy mình làm vua. Từ đó, ông tìm mọi
cách để ép Chúa nổi dậy, chống lại Pharisêu, chống lại đế quốc La Mã đang thống trị đất nước Do Thái lúc bấy giờ. Và cách tốt nhất mà ông nghĩ được là ép Chúa vào chỗ nguy hiểm, tức là
nộp Thầy vào tay kẻ thù. Ông tin rằng Chúa có thể thoát khỏi tay kẻ thù một cách dễ dàng như Chúa đã từng làm nhiều lần trước đây. “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã
thoát khỏi tay họ” (Ga 10,39). Như vậy, đối với Giuđa, Chúa Giêsu là một công cụ cho ông thực hiện ý định chính trị của mình mà thôi. Quyền năng mà Giuđa thấy được nơi Chúa Giêsu thực hiện là quyền năng của một ông pháp sư, một thầy phù thủy chứ không
phải quyền năng của một Thiên Chúa tối cao. Nghĩ đến như thế, và ông đã manh nha suy tính để trục lợi cho mình.
Một số ý kiến khác lại cho rằng việc nộp Thầy Giêsu của Giuđa phát xuất từ lòng tham tiền, tham 30 đồng bạc.
Một số ý kiến khác lại cho rằng việc nộp Thầy Giêsu của Giuđa phát xuất từ lòng tham tiền, tham 30 đồng bạc.
Lòng tham
của Giuđa xuất hiện, có thể được giải thích là từ khi được làm quản lý, từ khi
được tiếp cận với tiền bạc chứ không phải bản chất của ông tham lam. Bởi vì nếu
ông tham lam ngay trong bản chất thì đã không có ai đồng ý giao cho Giuđa giữ túi tiền
chung (x. Ga 13,29). Vả lại, khi Chúa Giêsu chọn Giuđa, ông đã đồng ý đi theo Chúa
Giêsu làm môn đệ, mà lúc đó Chúa chưa làm nhiều phép lạ, chưa nổi tiếng,
chỉ là một chàng thanh niên nghèo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng
Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,58) thì lấy gì làm cớ nói là Giuđa tham lam tự bản chất. Nếu thế thì đã chẳng bỏ mọi sự để theo Người.
Vậy ra chỉ
khi tiếp cận với tiền bạc, Giuđa đã nổi lòng tham, và từ lòng tham đó sinh ra
tội biển thủ, tội lường gạt, giả danh lo cho người nghèo để lấy tiền
của người khác làm của mình “một
trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: ‘Sao lại
không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?’ Y nói
thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì Y là một tên ăn cắp : Y giữ túi
tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” (Ga 12,4-6). Cuối cùng, cũng vì lòng
tham mà bán Thầy (x. Mt 26,15). Bán 30 đồng bạc, thấp hơn với giá một tên
nô lệ thời đó. Vì trong sách Xuất Hành đã đề cập đến giá trị của 30 đồng bạc: “nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa
cho chủ của nạn nhân ba mươi đồng bạc, còn bò thì sẽ bị ném đá cho chết.”(Xh 21,32).
Tham lam làm cho con người
mù quáng. Có người tham lam để rộng rãi cho mình, tức là loại người vơ vét về bản thân để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Có người lại tham lam với ý định muốn
tích góp nhưng lại keo kiệt với cả chính bản thân mình. Cả đời chỉ thích gom góp để gắm nhìn mà thôi. Nhưng dù tham lam nào thì cũng làm mờ mắt, mờ lí trí. Chính tham lam đã che khuất đi chút tình yêu mong manh của Giuđa với Chúa Giêsu.
Trong con người Giuđa vẫn
có tình yêu với Chúa. Cứ cho gần 3 năm, ông rong ruổi theo Chúa Giêsu với mục
đích làm giàu là thật. Nhưng việc “hối hận” (x. Mt 27,3) sau khi nộp Chúa Giêsu
thì sao? Ông có thể cầm 30 đồng bạc chạy trốn và mặc kệ ông Giêsu kia sống hay
chết. Nhưng ông đã theo dõi tình hình của Chúa và rồi nhận ra sự sai trái
của mình. Ông hối hận. Sự hối khận khác hoàn toàn với thù hận. Sự hối hận phát
xuất từ sự giằng co giữa đúng và sai, giữa yêu và ghét. Hành động ném trả 30
đồng bạc nói lên điều gì? Tại sao lại ném trả. Phải chăng có một sự quyết liệt
nào đó? Phải chăng có một sự phẫn nộ nào đó? Giuđa đã phẫn nộ với chính mình.
Ta so sánh giữa hành động khóc lóc thảm thiết của Phêrô và hành động ra đi thắt cổ của
Giuđa thì tâm trạng đau khổ của ai sẽ hơn ai? Nguồn gốc gây nên hai tâm trạng
của hai con người ấy vẫn là từ những sai lỗi và hối hận. Nhưng nơi Giuđa dường
như ông quá thê thảm! Ông như bị bít bùng lại, ông đi vào ngõ cụt, không lối thoát. Bình thường ra, ông vẫn
có thể chọn lấy con đường sống, chọn lấy sự ăn năn như Phêrô. Nhưng lòng ông quá đau khổ. Tiếng nói của lương
tâm cắn xé và phải chăng ông vẫn yêu Chúa, nhưng rồi vì một chút tham
lam cỏn con mà ông đã phản bội Thầy mình. Điều đó làm cho ông đau khổ lại càng đau khổ hơn. Một cảm giác
tội lỗi chụp lên ông, trói buộc ông. Lúc này, Giuđa không còn có cơ hội để bắt gặp
ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu nhìn, như Ngài đã nhìn Phêrô lúc gà gáy sáng nữa. Ông từ chối nhìn về phía Chúa và có thể
là ông đi đến tận cùng của đau khổ, giằng xé khi nhớ về những cảnh báo rất
rõ ràng và thân tình của Chúa Giêsu với mình: “Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa”, “Chính anh nói đó!”, “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp
Con Người sao?”. Ông đã đi thắt cổ.
Sự phản
bội của Giuđa không phải là một kế hoạch lâu dài, bắt đầu ngay từ khi đi theo
Chúa, cũng không phải là một nông nổi nhất thời nhưng là một sự tiệm tiến. Một
sự “làm quen” dần dà với phản bội rồi đi đến phản bội.
Tôi cũng
thế, những tội tôi phạm, bắt đầu cũng chỉ là những bước chân lấn tới để làm quen, thân thiết
với tội, rồi cưu mang nó, nuôi dưỡng cho nó lớn khôn. Cho dù có tình yêu trong
đó nhưng chính vì đã quen với tội lỗi nên tình yêu ban đầu bị lu mờ đi. Đôi khi
đã quen với sai trái, tôi biến cái sai thành cái đúng và yên hàn trong cái
“đúng ngu muội” ấy.
Giuđa được
cứu rỗi hay không, đó là quyền của Chúa. Nhưng tôi được cứu rỗi hay không thì
phụ thuộc nhiều vào tôi. Ơn cứu độ vẫn tràn lan nhưng tôi có đón nhận hay
không? Có tin vào lòng nhân từ và thương xót của Chúa như Phêrô đã tin và yêu mến không? Và sám hối là yếu tố cần thiết để được cứu độ. Tôi phải sám hối có nghĩa là phải có sự hối
hận ăn năn, nhưng không theo kiểu Giuđa, mất lòng tin, mất hy vọng dẫn
đến suy sụp và khốn nạn. Tôi phải biết rằng nơi Thiên Chúa, không có một điều gì có thể cản được tình
yêu của Ngài, không có tội lỗi nào có thể lớn hơn lòng nhân từ và thương xót
của Ngài mà làm cho Ngài thôi thứ tha, thôi yêu thương. Nhưng tất nhiên là vẫn có thời hạn. Tôi không được vin vào đó để phạm tội, để duy trì cuộc sống trong tội mà chậm trễ thống hối ăn ăn, vì không biết khi nào Con Người sẽ đến.
Trước vấn
đề tục hóa ngày nay, vật chất là một cơn cám dỗ liên lỉ, mạnh mẽ và tinh vi cho
tất cả mọi người. Phải luôn cảnh giác với lòng tham, lòng ham muốn vật chất, và
phải tìm đến Chúa bằng lòng khiêm hạ, nhạy bén với những cảnh báo của Người qua
những biến cố trong cuộc đời mình. Và cho dù thế nào đi nữa, trong hoàn cảnh nào đi nữa thì hãy tin, hãy yêu
và hãy hy vọng vì ánh sáng Phục Sinh đã bừng lên.
Thứ Sáu Tuần Thánh – 2019
Hạt Bụi
Trần
Nhận xét
Đăng nhận xét