CƯỚI VỢ

 

Đi đâu cho thiếp theo cùng,

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Cứ tưởng câu ca dao này, người ta thuộc chỉ là để thuộc. Họ để dành đó, và đọc ra cách ngẫu hứng trong những lúc bông đùa hoặc có khi người ta dùng nó làm câu mào đầu trong những phát biểu tại các tục lệ cưới hỏi dân gian của những người làm công việc dẫn chương trình. Thế nhưng người phụ nữ đó đã dùng câu ca dao này, trước mặt bạn bè, để bày tỏ sự đồng ý của mình về việc làm vợ anh. Lần đó, anh cũng tưởng đó là lời nói cợt nhả mà cô ả chỉ buột miệng khi quá chén nơi bàn tiệc. Nhưng lại là thật. Rồi một đám cưới long trọng diễn ra, đánh dấu cho cuộc hôn nhân được bắt đầu.

***

Chiều ngả xuống. Hoàng hôn. Cuối chân trời chỉ còn là một vệt sáng dài màu đỏ ối. Ánh sáng dịu nhẹ pha chút mờ tối nhưng còn soi rõ khoảng sân hẹp, hắt chút nhợt hồng lên bức tường gạch cũ kỹ mà lớp áo si-măng, từng mảng đã bong tróc, để lộ ra những thớ gạch bạc màu, cũ mốc. Có lẽ căn nhà này đã nhiều năm không tu sửa.

Người đàn ông ngồi dựa lưng vào vách, trên chiếc ghế vẹo chân, xỉn màu, trước thềm nhà. Đôi mắt đăm chiêu. Ưu tư hay tại rượu mà trông ra thế?! Nhưng chỉ được một lát, ông lại đứng lên, dáng xiêu xiêu đi ra phía cổng. Không biết đi đâu. Vô định.

Thành, con trai ông, từ trường về nhà sau một ngày học dài đằng đẵng. Anh vứt cái cặp lên bàn đến “xoạch” rồi nằm sõng soài ra giường. Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, Thành như nhiễm cảm, người đau nhừ. Đang nằm nghĩ vẩn vơ, chợt nhớ ra điều gì, anh ngồi vộc dậy, lật đật chạy đi ra phía sau nhà.

Người đàn bà, dáng dấp mệt mỏi, lê thân vào nhà rồi ngồi phịch xuống ghế. Bà bỏ cái giỏ lên bàn, thọc tay vào, lấy quyển sổ và cái máy tính ra, lẩm nhẩm tính toán. Chiếc xe máy bệ rạc, không còn hình dạng rõ ràng của loại xe nào, thuộc nhà máy nào sản xuất nữa, đang dựng ngoài sân, trên đó còn chồng chất lên nhau hai ba cái sọt nhựa cáu bẩn vì máu khô và dăm thịt dính bết vào, chưa gỡ xuống.

Đang dưới bếp, bỗng nghe tiếng la hét ở nhà trên. Tiếng chửi tục. Lời đay nghiến. Một chuỗi. The thé – Thành biết mẹ đã về:

-        “Đm.”, con “l.” này, mày xê ra cho tao tính coi! Tao đang điên đấy! Tao chém chết mẹ mày bây giờ!

Chả là con bé con, em của Thành, nó thích sán người khác, đặc biệt là mẹ nó. Thường thì khi nó vòi vĩnh cái gì, bà chiều nó hết. Nhưng những lúc bực tức, con bé không biết, nó quấn lấy bà, làm cho bà cáu tiết lên thì bà cũng chửi tất, nghiến tất.

Chuyện cáu kỉnh của người đàn bà kia chẳng lạ gì với xóm giềng, càng chẳng lạ gì với cái gia đình tồi tàn này. Bà là vợ, là mẹ nhưng xem ra bà cũng là “chúa” của một “vương quốc” nghèo xơ xác và nợ nần. Người ta chẳng bao giờ biết đến sự đoan chính, nết na của bà. Đến ngay khi cười, bà cũng “văng” ra được khỏi cửa miệng mấy câu chửi tục tĩu. Những câu chửi này là của thế giới chợ búa mà hằng ngày bà là một thành viên không thể thiếu. Vắng bà, chợ thiếu một hàng bán thịt là phụ, nhưng quan trọng hơn là chợ mất hẳn đi giận dữ, đanh đá, nhiều chuyện, huyên náo,…

Thành lúi húi dưới bếp từ chiều; xong khi dọn cơm lên đến nhà trên thì trời cũng tối hẳn. Ba con người ngồi vào bàn. Nhìn mâm cơm, người đàn bà hằn học:

-        Đm., mày nấu như cho chó ăn vậy!

Thành ngao ngán đáp lại:

-        Mẹ ăn đỡ đi, hôm nay con học cả ngày, về nhà muộn.

Không thể không hoạt động, không thể có sự trống trải nào tồn tại trong đời bà; vừa hết nói về cơm, bà lại nhìn Thành hỏi lấp vào:

-        Thế thằng bố mày đâu?

-        Hồi chiều, bố thấy con về tới đầu ngõ, bố lại đi ra ngoài rồi.

-        Đm. Đi đâu?! Đi kiếm gái, kiếm rượu chứ đi đâu! – vừa xéo xắt bà vừa nguýt dài, đay nghiến.

Thành thở dài rồi bưng cái bát đưa lên miệng, và vội miếng cơm cho mau xong bữa. Người đàn bà lại tiếp:

-        Chết bờ chết bụi đâu cho xong, cho khuất mắt tao. Đm.! Tao khổ như chó thế nào, nó có biết đâu!

Bà im lặng một chút, xong, nhìn chòng chọc vào những đứa con, bà hét lên:

-        Cả chúng mày nữa, chúng mày cũng có biết đâu? Hôm nay con mụ lái lại cân điêu của tao mất mấy cân thịt đấy. Cả nhà nó hùa vào: đứa cân, đứa bưng, đưa ghi chép rồi cuối cùng ăn lận của tao. Đm. nó!

Người đàn bà mắt trợn ngược lên, nhìn như thủng thấu vào hai con người đang ngồi cúi gằm mặt; như thể muốn ăn tươi nuốt sống tất cả vậy. Bà dương đôi môi cong cớn lên, tuôn ra những chửi cùng chửi.

-        Đm. nó có chồng, tao cũng có chồng. Nó có con, tao cũng có con. Mà hỡi ơi, chồng với con tao không đáng đi hốt “c…” cho nhà nó. Toàn chó má!

Cứ thế, một tháng ba mươi ngày, chẳng có được mấy ngày “cơm lành canh ngọt”. Nếu có ngày đó thì là do bà ấy đau họng, nhổ răng hoặc có khách lạ đến chơi. Mà hi hữu lằm! cái nhà tồi tàn này thì có khách nào đến chơi? Họa chăng là mấy bà cùng bán thịt ngoài chợ hoặc mấy người tới đòi nợ thôi. Mà không cần phải nói gì thêm. Những đối tượng ấy có mặt thì không phải là cãi nhau thì cũng là cơ hội để than thở, trách móc về ông chồng, đứa con. Cũng cái miệng, luôn là những câu tục tĩu mà người ngoài nghe thấy phải ái ngại và ngượng ngùng thay. Răng thì cũng còn nguyên hai hàm, chưa sứt mẻ cái nào để phải đau hay đi nhổ. Quanh năm cũng lại chẳng thấy đau yếu gì cả. Cho nên, ngày nối ngày, “bài ca con cá” là một điệp khúc buồn trong gia đình. Căn nhà như tách hẳn ra khỏi “thế tục”, mà nhập vào một thứ “toàn tục”.

Người ta đọc được ý nghĩa của bữa cơm gia đình là để mọi người gắn kết tình thân, chia sẻ những vui buồn, học hỏi những kinh nghiệm của nhau. Bố mẹ dạy cho con cái những điều cần thiết để ứng xử. Con cái bảy tỏ cho bố mẹ những mơ ước của mình, “dạy” cho bố mẹ biết lắng nghe tiếng nói của con cái. Hay nơi anh chị em chia sẻ cho nhau những điều mình cảm nghiệm qua những thay đổi, biến động của bản thân, của môi trường mình tiếp xúc. Không có mái trường hay thầy cô nào có thể dạy hoặc trao tặng những điều đó được. Mà anh chị em càng là những người xem ra rất cần thiết. Họ như cùng thế hệ với nhau nhưng mỗi người lại có góc nhìn về cuộc đời và cách giải quyết các vấn đề khác nhau. Từ đó cha mẹ và anh chị em có thể giúp nhau trong cách cư xử. Cùng một vấn đề, với anh chị em có thể cư xử hợp thời nhưng chưa chắc là đúng, còn cha mẹ có thể cư xử đúng nhưng chưa chắc đã hợp thời. Gia đình là một kho tàng để hưởng dùng, để học hỏi, để dựa dẫm, để được bảo bọc và chở che.

Thế nhưng mâm cơm nhà Thành lại là một nơi để cho những lời lẽ thô tục, những câu chửi thề, những lời đay nghiến cay đắng tuôn ra. Người ta không thể phân biệt được đâu là lẽ phải mà chỉ là những than thở, những oán hận, những đổ bể hàng ngày. Nó là những thứ ngôn ngữ tận cùng của cuộc đời vọng lên thống thiết. Nó làm cho không gian của căn nhà nặng trịch xuống như rơi đến đáy của một cái giếng cạn, tối tắm, ngột ngạt và lạnh lẽo. Bữa cơm, có khi còn là trận ẩu đả của vợ với chồng, tiếng thét khóc của trẻ con.

Thông thường, người ta nghĩ rằng: hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân là viên mãn. Nhưng không! Đó mới chỉ là bắt đầu. Có những bắt đầu đẹp như giấc mộng; lăng kính màu hồng gắn vào đất trời, đâu đâu cũng là thiên đàng, rưng rưng say đắm, mà khi nắng còn vương trên sợi tóc, lá màu đã đổ xuống những giọt thu vàng.

Ngày đó, một thiếu nữ cũng tiếng tăm ở phố, phải lòng một anh sinh viên, trọ gần nhà. Tình yêu vội vã như đoàn tàu rời bến, xé gió lao đi vun vút, chẳng có cái gì cản lại được. Nếu có cản, chắc chắn con tàu sẽ nghiền nát mọi chướng ngại vật. Và khi đi qua rồi, sau lưng đoàn tàu chỉ còn lại là những đổ vỡ.

Chàng thanh niên bảnh bao, cưới được cô nàng xinh xắn và thừa hưởng gia tài kha khá từ gia đình vợ. Anh quyết chí làm giàu nên xông pha công việc còn vợ anh thì quen với hưởng thụ an nhàn nên ở nhà quán xuyến gia đình. Rồi đứa con đầu lòng của cuộc hôn kia ra đời. Con trai. Gọi nó là Thành. Cuộc sống tưởng thế là tròn đầy. Nhưng con tảo xoay vần, không tha cho những kẻ sống hời hợt, buông thả. Chồng thường xuyên đi làm xa, cô đơn đã đành, vợ ở nhà với những ngày dài mưa nắng, gió bão cũng không kém. Và chuyện “hương phấn, bướm hoa” ở đời chẳng tha cho những kẻ thiếu lòng chung thủy. Biết chồng có những quan hệ bất chính bên ngoài, cô vợ không huyên náo lên như những vụ đánh ghen công khai mà người ta thường thấy hoặc được ghi hình lại rồi “quăng” lên trên cộng đồng mạng. Ấy là vì cô ta cũng đã mang trong bụng đứa con của một gã trai non đĩ thõa ở phố. Thế là “xứng đôi vừa lứa” cho cuộc đời quá lắm.

Phải chăng sự chóng vội của thời đại làm cho con người chóng vội theo, hay chính con người chóng vội làm cho thời đại bị cuốn vào hối hả. Người ta sống vội vàng trong mọi sự: ăn vội, học vội, yêu vội, làm giàu vội, cư xử vội,… mà vội vàng cũng có nghĩa là “vàng vội”. Trái vàng vội là trái chín ép. Một quả non bắt chín sớm thì làm sao ngon ngọt bằng một quả già chín đúng mùa. Tình yêu cũng thế, không đủ thời gian để tìm hiểu nhau, không có những tương tác trực tiếp, không đặt vào chúng một Chân Lý vĩnh cửu mà chỉ chú trọng vào những tầm thường, chóng qua bên ngoài: sắc đẹp, tiền tài, trào lưu thay người tình như thay áo,… xong lại còn yêu qua video call, face-book, zalo chat,… thì tình yêu ấy vội vàng theo kiểu thời đại “đói – ăn mì gói”. Nó sẽ sớm hư hỏng và hôn nhân biến thành sự tù đày.

Câu chuyện tình lãng mạn của những ngày đầu không còn nữa, lăng kính màu hồng bị vỡ tan tành, chỉ còn lại là màu xám ngoét của trời chiều, dấu hiệu mưa giông đến. Những đụn lá bị thốc lên không, quay cuồng trong lốc xoáy, như con người ta đang quay cuồng trong lòng đời vậy. Mà không! Đó không còn dấu hiệu nữa, nhưng giông tố đã đến. Không phải do mây làm mưa nhưng là do sự bất trung của nhau dẫn đến giông tố.

Không chỉ tình cảm gia đình bị tồn thương, rạn nứt mà đến căn nhà, miếng đất của họ đang sống cũng “bỏ” họ mà đi. Chúng bị siết nợ vì trò đỏ đen và thói đỏm dáng không tiếc tay của cô vợ. Chồng cũng từ đó mà bị lụn bại trong chuyện làm ăn và mang trên mình một “đống” nợ. Rồi thì những cãi vã! những đay nghiến rền rĩ!

Họ trốn nợ, chạy về một miền quê xa xôi để ẩn trú. Họ mướn được một căn nhà ọp ẹp để sinh sống và những muốn khởi sự lại từ đầu bằng việc chồng làm mướn, vợ chờ sinh nở. Khi đứa trẻ con đã cứng cáp. Vợ vào nghề bán thịt, chồng giúp vợ mua lợn, giết mổ, vận chuyển,… Ít năm sau, họ mua lại được căn nhà họ đang thuê và thông thạo mối lái trong nghề.

Tưởng rằng khổ tận cam lai, cuộc sống gia đình được bắt đầu lại, thì… người ta lại tới siết nợ! không phải là món nợ cũ trên phố, nhưng là món nợ mới, món nợ do đề đóm, hụi hè của cô vợ bán thịt ngoài chợ gây nên. “Ngựa quen đường cũ!” Cô vợ, ngày trước, mê trò đỏ đen nay lại sa vào chúng lần nữa. Mà đã là trò đỏ đen thì hệt như con thiêu thân lao mình vào lửa. Mang cả gia đình ra đốt cháy trong những con số, trong những cái mà gọi là “góp hụi”: nào là hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng, … Cuộc sống “giật gấu vá vai” dường như chưa đủ khốn khổ, nay lại ngắng sức “nuôi” thêm những kẻ ngồi không hưởng lợi đó là chủ hụi, chủ đề,…

Chủ nợ, thương lái đến nhà, tháp tùng theo sau họ là những tay “xăm trổ”; họ đòi đập phá, đòi giết người! Cả nhà tán loạn. Tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, một lớn một bé khóc lóc, sụp lạy ngoài sân: “đừng giết bố mẹ cháu! Cháu xin mọi người!”

Một “khối” nợ, lại thêm tiền lời của nợ. Không biết bao giờ mới thoát. Người đàn ông trong gia đình bỗng trở nên ít nói, ít làm, ít ở nhà nhưng hay say, hay lang thang. Mà nói đúng hơn là say xỉn thì đi lang thang. Có lần người ta thấy ông nằm ở trong bụi rậm vào sáng sớm, khi người ta đi chợ, đi thăm đồng; tưởng là đã chết vì sờ vào chân thấy lạnh ngắt. Họ hô hoán lên thì ông lại giật mình ngồi dậy, làm mọi người hoảng loạn, chạy dạt hết ra. Ông lại khật khưỡng đi, không biết đi đâu.

Người đàn bà vốn đã cọc cằn, nay còn hung bạo. Bà học thêm từ quán chợ những lời cay nghiệt, miệt thị, những đanh đá, xấc láo, những câu chửi tục tĩu sống sượng. Bà dùng nó để “bổ” vào bất cứ ai làm cho bà điên tiết lên. Bà thấy bà oan uổng, bà thấy bà bất hạnh và khi nhìn đến chồng con, bà lại càng buồn chán hơn. Bà đổ tất cả tội lỗi lên đầu họ. Bà xem họ như bọn lưu manh, như ma ám, bám lấy bà. Bà chửi chồng, nhưng cho dù chửi thế nào đi nữa, ông chẳng thèm nói lại. Chán, bà quay sang chửi con, mang tất cả sự “bất công” trên đời đổ lên người nó. Bà rủa xả nó. Nó ngồi chịu trận. Chưa vừa lòng, có lần bà còn lao vào nó như muốn ăn tươi nuốt sống, vì bà nghĩ rằng: nó bắt chước bố nó, khinh bà, không nói chuyện với bà.

Và những lần như thế, không thể chịu đựng sự quá quắt của bà với con, ông lao vào bà đến “huỵch” một cái. Và thế là hai vợ chồng vật nhau. Có khi ông cầm gậy rượt bà chạy, có lần bà cầm dao đuổi đánh ông. Có khi con trai ôm giữ mẹ lại cho bố chạy, có khi con trai lại ôm giữ bố lại cho mẹ thoát đi. Trong những tình huống như thế, đứa con gái nhỏ chỉ biết thét khóc nơi góc nhà.

Trời đã vào khuya, người đàn bà ôm đứa bé gái nằm trên chiếc võng ngủ thiếp đi từ lúc nào, lâu lâu lấy tay đập muỗi cách vô thức hay gãi sồn sột. Thành quay cái quạt máy vào người bà cho muỗi bay bớt. Bị lạnh, bà giật mình dậy, thấy Thành còn đang ngồi học. Bà đứng lên, cúi xuống bế con bé, vừa ngáp, vừa nói:

-        Thôi đi ngủ đi mày, mai dậy sớm còn ra chợ phụ tao. Đm. nó! học giỏi làm gì, mày làm cho giỏi đi, mai mốt mà nuôi con, nuôi vợ. Đừng như thằng bố mày ấy.

-        Bà vừa đi vừa càm ràm như thế. Nó đã thành thói quen. Trừ khi ngủ thì ngáy, còn khi thức thì cái miệng không thể im. Thường thì khi vừa đặt mình lên giường thì bà ngáy “pho pho”. Nhưng hôm nay vừa vào tới giường, bà bỗng nhớ cái gì và hỏi vọng ra:

-        A! ngày mai mùng mấy rồi mày? Đm., ngày mai đóng tiền lời rồi đấy!

Bà nhổm dậy, với tay lấy cái giỏ rách quai quen thuộc gần đấy, miệng lẩm bẩm:

-        Ngày mai mà không đủ thì nó chặt người ra như chặt chuối đấy! Đm. nó!

Thành thở dài đứng dậy, đi ra ngoài hiên, ngồi bệt xuống cái ghế cũ vẹo sẵn đó, ngó về phía cổng. Trời là một bức màn tối, đen kịt. Ngồi lâu, lại thêm suy nghĩ, xong anh đứng dậy đi vào nhà, chậm rãi đóng cửa; “không! chỉ khép thôi, lỡ bố có về!” Anh nhủ thầm thế.

Thành nằm trên chiếc chiếu trải trệt trên nền nhà, trằn trọc mãi không ngủ được. Trong đầu anh, những dòng chữ trên bảng thông báo của trường cứ hiện ra, quay tít. Ngày mai là hết hạn đóng học phí. Nhưng bây giờ biết làm sao? Anh tính: Hay là nghỉ học luôn ở trường, ra chợ phụ mẹ, học “nghề” cho giỏi để kiếm tiền trả nợ? Vừa nghĩ tới đây, anh bất giác nhớ đến câu nói mà mẹ anh vừa nói lúc nãy: “mai mốt mà nuôi con, nuôi vợ”. Ý là cưới vợ đấy! Anh bỗng thấy rùng mình, sởn gai ốc. Anh cố xua đi ý nghĩ vừa lẻn vào trong đầu của mình bằng cách tự nói với mình:

-        Thôi, đi ngủ. Mặc kệ đời.

Nhưng vừa nằm xuống, anh lại không thể mặc kệ đời được. Dòng thông báo: ngày mai hết hạn đóng học phí lại hiện lên, lờn vờn…

Rồi trong cái chập chờn của giấc ngủ muộn, Thành mơ hồ thấy bố đang ngất ngưởng đứng ở cửa, say khướt, và từ bên trong, tiếng người đàn bà ré lên giữa đêm khuya. Thành lại vộc dậy, theo thói quen, chạy tìm con bé.

                                                                                                                                        Thế Phong

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LÒNG THAM CỦA GIUĐA

CƠN ÁC MỘNG CỦA CON