CƠN ÁC MỘNG CỦA CON


Mẹ, đêm qua con đang ngủ thì bị giật mình thức giấc, khoảng chừng nửa đêm, rồi từ đó không ngủ lại được nữa cho đến khi trời gần sáng mới thiếp đi. Và trong lúc thiếp đi đó, con lại mơ thấy mẹ. Việc thấy mẹ trong mơ, lâu lâu xảy đến một lần, nhưng lạ là hầu như lần nào con mơ thấy mẹ đều là những cơn ác mộng. Gọi là cơn ác mộng vì nó để lại cảm giác sợ hãi và muộn phiền.

Trong mơ, có lần con thấy mình còn bé lắm, chẳng làm gì nên tội cả, thế mà với sắc mặt giận dữ, mẹ đuổi con đi. Con không thể toan tính được gì hơn, không biết sẽ đi đâu. Buồn lắm! Rồi ngồi xuống khóc. Lần khác thì thấy mẹ chết, nằm trong quan tài, mắt nhắm nghiền, khuôn mặt lạnh tanh. Con ôm cái nắp quan tài đi từ dưới bếp lên đậy vào cho mẹ, nước mắt giàn dụa với nỗi xót xa không gì bằng. Con ước gì đây chỉ là giấc mơ. May thay đó là giấc mơ thật.

Lần khác nữa con mơ thấy mẹ bỏ nhà đi đâu biệt tăm, vắng cả mấy tháng mấy năm cơ đấy. Con muốn đi tìm nhưng không biết tìm đâu, không biết đâu mà tìm. Con cứ ngong ngóng mãi mà mẹ cứ vời vợi nơi nào. Nhớ quá mà thổn thức. Buồn khôn xiết.

Rồi đêm qua, con lại mơ thấy mẹ giận con, không nói chuyện với con. Con thấy mình tệ quá! Một đứa trẻ con tủi thân và nghĩ quẩn. Nghĩ mình bị bỏ rơi, nghĩ mình không phải do mẹ sinh ra mà là thứ lượm ở đâu mang về nuôi. Con khóc ngon lành. Nhưng vì đã mơ nhiều lần tương tự như vậy, nên tự con tự nhắc mình ngay trong giấc mơ rằng: đó chỉ là mơ thôi! Chỉ là mơ thôi! Thế mà con không cách nào thoát ra khỏi giấc mơ đó được cho đến lúc giật mình thức dậy, con còn nghe thấy miệng mình đang ú ớ không thành tiếng.

Mẹ thương con quá đỗi thì làm sao mẹ giận hay mẹ bỏ con đi đâu cho được. Ngày mẹ mang thai con là những ngày cùng cực vô vàn: từ tinh thần lẫn vật chất. Tinh thần vì tiếng người đời chì chiết; gia cảnh thì nghèo đến quần không có để mặc, dép không có để đi. Thế mà mẹ vẫn bằng lòng sinh con ra; bàn tay thô ráp ẵm bế con; ôm con chặt trong cái hôi khắm của mồ hôi vất vả. Càng đau khổ vì cuộc đời bao nhiêu, mẹ càng thương lũ con của mẹ bây nhiêu. Bởi lẽ ngoài chúng ra, mẹ chẳng còn ai để chia sẻ, dựa dẫm, dù chúng nó còn rất nhỏ.

Lúc trước thì không, mãi sau này con mới biết những giấc mơ đó chính là vết thương của tuổi thơ, nó như cái bóng của kiếp người, khó mà xoá bỏ được. Con mơ thấy những ác mộng trong dòng sống của mình, chẳng qua là do con sợ mất mẹ. Nỗi sợ mất mát đó ăn sâu vào tiềm thức để rồi có cơ hội, nó len lỏi vào cả giấc ngủ, làm ra cơn ác mộng.

Nỗi sợ mất mẹ, sợ xa mẹ có lẽ bắt đầu từ những ngày trước. Con còn bé lắm. Ngày mà cả mẹ và anh chị, để con ở nhà một mình gần một tuần lễ, vào Bào chim cắt tranh về thay mái lợp. Nồi cơm anh H. nấu để lại cho con, trước khi đi, con chẳng ăn, mấy ngày sau nó mốc đỏ lên, đến chó chẳng thèm. Ngày đầu thì không sao nhưng độ hai ba ngày sau thì nhớ gia diết. Nhớ ghê lắm! Nhưng biết làm sao. Sớm chiều đành thui thủi với bờ dâm bụt, góc bếp và mấy cây củi quanh vườn; tối thì ngủ co ro một mình trên chiếc gường liếp tre đã gãy nát.

Hay là ngày mẹ về Sài Gòn đưa ông ngoại đi xa, không cho con theo. Con thấy mình tệ hại vô cùng, nhưng không dám nói gì, anh chị dữ lắm, đánh chết! Tối đành len lén lấy cái áo mẹ hay mặc, ôm nó ngủ cho đỡ vậy.

Rồi chỗ nhà ông Phong bây giờ, ngày trước có cây gạo, hàng goòng và con dốc hơi cao, sáng ra, mẹ cùng anh chị vác xạc-lai, đeo theo cái bình nhựa màu vàng xỉn màu, đựng nước uống, theo hướng đó đi vào làm mướn trong rẫy nhà người ta. Con đứng ở hè nhà mình, nhìn vọng theo mẹ và anh chị qua con dốc ấy, vẫn biết là đến chiều mọi người sẽ về, nhưng khi bóng mẹ khuất sau hàng goòng rồi thì nước mắt con chảy xuống, khóc không có lý do.

Bằng tuổi, người ta biết đọc biết viết hết rồi, mình vẫn chưa có giấy khai sinh thì học hành gì!? Mà cũng chẳng thích trường. Nhưng rồi cái ngày ấy cũng phải đến, dù muộn màng, dù đã tồng ngồng. Thường thì buổi sáng trông nhà, nấu cơm, đến khi trưa đứng bóng, lúc cái radio nhà ông Bảy, ở trước nhà mình, phát những bài hát tân cổ mà lúc đó không biết gọi tên là gì, nghe não lòng đến chết được, thì con đi học. Có hôm, đường đến trường rộng, dễ đi, con không đi, nhưng cố ý băng qua đường rẫy, men theo đường mòn, để đi ngang qua chỗ mẹ làm, chỗ mẹ đang cắt lúa cho người ta ở dưới bào. Đơn giải là chỉ muốn thấy bóng mẹ.

Âu cũng là tại mẹ! Thương con quá mà lúc nào có mẹ là có con, chỗ nào có con là có mẹ; đi đâu cũng cho theo; làm gì cũng cho ở cạnh, thế là con “quấn” mẹ không rời ra được. Đến khi lớn hơn một chút, mẹ không thể mang con đi theo nữa, anh chị cũng không thể chơi với con như bao nhiêu đứa trẻ con khác có anh chị của nó. Một phần vì anh chị lớn hơn con nhiều tuổi, nên không thể chơi mấy trò con nít như con nhưng chủ yếu là phải lao vào cuộc sống theo lối mòn cơm áo gạo tiền, cùng với mẹ. Không ai dạy cho con làm quen được cái “độc lập” vốn như chính nó cần phải có. Và khi con phải xa mọi người thì bị hụt hẫng, tự thấy mình bị bỏ rơi. Dù rằng con hiểu rất sớm về việc nhà mình nghèo, mọi người phải lo làm lụng để kiếm sống. Thế mà cũng không tránh được tủi thân. Con vẫn biết mình phải quán xuyến, chăm lo nhà cửa, dẫu cho nhà mình chẳng có gì để quán xuyến và trông coi. Trộm cướp có vào, nó cũng sợ phải bỏ lại thứ gì đó của nó cho nhà mình.

Nhưng mẹ ạ, có thế con mới trưởng thành để con là con của ngày hôm nay, dù rằng chẳng hoàn hảo. Mà đã là con người thì đâu có ai hoàn hảo. Mẹ không hoàn hảo và con càng không hoàn hảo. Chỉ là mình biết cám ơn quá khứ và chấp nhận nó, trân quý những gì mình có ở hiện tại. Con cám ơn mẹ đã vì con mà có ở cuộc đời này. Nếu được chọn lựa lại, con vẫn chọn làm con của mẹ.

Hôm nay ngày 8/3, người ta mừng ngày Phụ nữ gì đó. Con nhớ về mẹ và bất giác thương cảm cho những người phụ nữ như mẹ. Xin Đấng Tạo Hoá ban bình an và nâng đỡ nơi những con người đau khổ, thiếu hạnh phúc hôm nay, trong đó có mẹ của con.

8/3/2024

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CƯỚI VỢ

LÒNG THAM CỦA GIUĐA