TẾT VÀ MẸ


Nhà mẹ vẫn thường chuẩn bị cơm chiều Ba mươi tết, đó là bữa cơm tất niên. Rồi cũng chuẩn bị cơm vào trưa mùng Một tết, đó là bữa cơm mừng năm mới cùng tất cả các con.

Con của mẹ đã lớn hết và theo hoàn cảnh mà mỗi đứa một nơi, cho nên nhà mẹ neo người. Chỉ khi lễ tết chúng mới tụ họp lại, cả những đứa ở gần lẫn những đứa ở xa. Những đứa ở xa thì có đứa đã lập gia đình, ra sống riêng, cách xa mẹ. Một số đứa vẫn còn “ở” với mẹ nhưng chúng lại đi làm, đi học ở nơi khác, lễ tết mới trở về, thì cũng gọi là xa.

Năm nay cũng như mọi năm, những đứa con ở xa về nhà, mẹ hỏi chuyện làm cơm cuối năm và đầu năm. Chúng lưỡng lự. Mẹ buồn! Dịch bệnh Covid tái bùng phát, kinh tế nghèo túng, chúng lại mệt mỏi trong trong việc làm ăn, học tập và thế là có thêm lý do cho chúng lười nhác. Cơm chiều Ba mươi tết đã bỏ, thôi nấu, đến cơm trưa mùng Một, đầu năm, cũng không sao? Không phải là mẹ tham ăn nhưng là mẹ ham vui, mẹ ham vui như một đứa trẻ con hiếu động thích đông người. Mẹ thích các con.

Cả một năm trời, chẳng khi nào tụ họp đông đủ và cùng lúc bằng những ngày tết. Thế mà cái cơ hội đó cũng bị cướp đi mất. Thức ăn thì chẳng ngon, đều là những món thường ngày mà con cháu vẫn thường ăn với cha mẹ chúng, nhưng mẹ thấy ngon, dù vào bữa mẹ chẳng ăn gì. Mẹ chạy lăng xăng lấy cái tăm cho con, lấy ca nước cho cháu, tìm cái chén đựng xương,…

Năm nay mẹ chỉ chuẩn bị được bữa cơm trưa mùng Một. Sau khi cám ơn đấng Tạo Hóa và tưởng nhớ đến những người đã khuất, mẹ nói: “mẹ cám ơn các con và các cháu đã đến với mẹ trong ngày đầu năm này”. Rồi bỗng dưng mặt mẹ méo xệch đi, miệng mếu máo, mắt rưng rưng ngấn nước nhưng không chảy thành giọt ra được. Trông giả tạo! Thật là nước mắt đã cạn khô từ lâu, và nếu có còn chút ít thì cố kìm nén, kẻo có đứa nhìn thấy lại bảo mẹ giả vờ.

Mẹ đã bước đi trong lòng đời bằng đôi chân đơn độc; từ mồ côi, bồ côi, chồng côi đến giờ này là con côi. Một thân một mình cùng đôi quang gánh trên vai: một bên là con cái, một bên là cơm áo gạo tiền. Oằn nặng. Lặng lẽ. Ngày còn trẻ, các con còn nhỏ, mẹ "bão bùng" với mưa nắng gió sương, chống trước đỡ sau, gật gấu vá vai. Đến nay đã vào tuổi chiều hôm, con cái đã lớn, thì mẹ phải nhìn mặt con để sống. Nước mắt muôn đời cứ chảy xuôi. Giá có một lần nước mắt chảy ngược thì thế gian chắc chẳng có câu: “Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ”. Tiếng lòng thổn thức, cay đắng đến tận bạc đầu. Quá nhiều để không thể kể hết nhưng cuối cùng thì cũng không có gì để kể. Tất cả chỉ là những nếp hằn sâu vào tâm trí, chờ ngày tháng phôi phai.

Ngày mùng hai tết cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Công Giáo không xui tín hữu bỏ ông bà tổ tiên, bỏ dòng tộc để theo tà đạo. Nhưng đâu đó, có một số người đi đạo Công Giáo mà lại sống theo tà đạo. Viết vẽ ra Công Giáo với những gam màu của phản bội, chia rẽ lên bức tranh chung, bằng đời sống chua chát, sống sượng của mình.

Những bài giảng ngày mùng hai tết, những lời cắt nghĩa về cha mẹ, ông bà thật hùng hồn, thật thiết tha nhưng không phải để cho mình sống, để cho người khác sống nhưng là để đánh bóng tên tuổi mình. Một mớ những ngôn từ xem ra rất bóng bẩy, rất trôi chảy, rất xuôi nhưng không thể chạm vào cõi thâm sâu của lòng người nhằm hoán cải họ mà chỉ là viên đá sắc cạnh được bao bọc thật đẹp bằng những lớp giấy ngôn từ mà ném vào người khác. Tưởng êm ái nhưng không êm ái, tưởng ngọt ngào nhưng tuyệt nhiên không phải là viên kẹo đường. Đời sống và lời nói lạc nhau quá đỗi.

Tràn đầy nơi nghĩa trang là những chiếc áo thật đẹp ngày tết, mang những chậu bông thật tươi ra viếng mộ, dòng nước mắt tiếc thương chảy thật rõ, thật thẳng trên gò má, trước những mộ phần của cha mẹ, ông bà. Nhưng có mấy người lòng thật, mấy người lòng ngay? Khóc lóc trước mộ phần của bố nhưng mẹ còn sống thì, viện ra đủ lý do, để chối từ quan tâm chăm sóc, xin lỗi, sửa sai. “còn sống thì chẳng cho ăn, đợi chết nhăn rằng bày tiệc cúng kiến”. Miệng thì lâm râm đọc kinh mà mắt thì liếc ngang liếc dọc xem có ai biết mình khóc, thấy mình đang cầu kinh, hay có ai ngắm chiếc áo mới của mình đang mặc, không thì tai lắng nghe những câu chuyện bàn tán xì xào xung quanh.

Người mẹ vĩ đại không phải vì người mẹ đó là thánh nhân nhưng vì con cái để rồi không được làm thánh nhân. Có những người mẹ vì con mình mà bon chen trong đời, vì lợi ích cho con  mình mà cay đắng với người khác, vì cuộc sống của con mình mà chịu nhiều tiếng xấu xa. Có thể đối với đời, bà là một người đàn bà cay nghiệt, bủn xỉn, đanh đá nhưng mang về cho con mình những cái tốt nhất, ưu ái nhất, ấm êm nhất. Thế mà đổi lại là gì? Những đứa con khỏe mạnh lại bạo hành mẹ mình vì mảnh đất, chửi rủa mẹ mình vì vài triệu tiền vay. Những đứa con từ mặt mẹ vì mẹ khó khăn, trái tính, quay lưng lại với mẹ vì những nhỏ nhặt trong cuộc đời mà chẳng bao giờ nhớ đến cái vĩ đại của một người mẹ: từ tay bế tay bồng, từ ôm hôn, từ bú mớm, từ những trông ngóng khi con đi xa. Cái tiểu nhân của những đứa con là lúc nào cũng cho mình vĩ đại, mình khôn lớn. Cái vĩ đại của người mẹ là lúc nào cũng vì yêu con mà chịu nhỏ đi, bé đi.

......

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CƯỚI VỢ

LÒNG THAM CỦA GIUĐA

CƠN ÁC MỘNG CỦA CON