Góc bếp
Ngày mai lại đi, để lại nơi góc bếp tối tăm và dột hắt đó một sự chờ đợi ngày được tái ngộ. Thời gian cứ lặng lẽ, con người bạc màu tóc, cỏ cây cỗi già, đến góc bếp cũng ra tàn tạ.
Bếp,
là bếp củi, nếu được làm bằng một cái lò đất nung, hay một cái kiếng sắt ba
chân thì đã là sang; còn nếu không thì ba hòn đá xếp thành hình tam giác cũng
ra một cái bếp. Thôi thì làm sao cũng được, miễn là đặt cái xoong, cái chảo lên
vững vàng để nấu nướng là tốt; là ra cái bếp rồi.
Có
lẽ không ai sống trong đời này không biết đến cái bếp. Nhưng mỗi người lại có
cảm nhận riêng về cái bếp trong mình. Tuổi thơ nào đó gắn liến với góc bếp:
người lớn đi làm cả, đứa trẻ con ở nhà với cái bếp vừa là bạn vừa là gánh nặng
của nhau. Cho nên, góc bếp là một khoảng không gian nhiều kỷ niệm.
Một
buổi sớm trời lạnh, mưa phùn, đứa trẻ con thiếu hơi ấm, giật mình thức giấc, lò
dò xuống bếp, sà vào ngồi sát bên cạnh mẹ, đối diện với cái bếp đang rực lửa;
trong lòng bếp xác cây đậu nành đang cháy, nổ lách tách như pháo; mùi bắp luộc
bay lên thơm nức. Hôm nay mẹ ở nhà. Mẹ luộc bắp. Hạnh phúc!
Buổi
tối, mọi người đi làm về: chị lên tập hát ở nhà thờ; các anh soi cua ở mấy cái
ao gần nhà; mẹ lại cùng con nhỏ ngồi bên bếp lửa. Bữa cơm chiều thành bữa cơm
khuya. Ngoài sân, trăng trên cây ổi Sẻ đã vặc bóng.
Nếu
củi là cây Vông, cây đậu Nành, cây Bắp thì cháy xèo, chóng hết, còn nếu được
cây Dâm bụt, cành Cà-phê, cành Na, Ổi, hay cây Me keo thì cháy lâu hơn, có than
nhiều hơn.
Nếu
mùa nắng biết gom củi, phơi khô rồi cất để dành đến mùa mưa thì hay, nếu không
thì cơm sống, cơm nhã là chuyện rất thường.
Mẹ
bù đầu với việc, đứa trẻ con tập tễnh rồi cũng vào bếp đảm nhận việc nhỏ nhất
cũng là vất vả nhất là nấu cơm. Mùa nắng, cơm hay khê vì sẵn củi khô, “ta” cứ
đốt; mùa mưa, củi ướt thì cớm sống, cơm nhã xạ như “ma vò” – mẹ mắng thế.
Mưa:
góc bếp như là cả một bầu trời tang tóc, “khóc ròng” từ trong ra ngoài, từ nóc
tới hiên, dột như nhà không mái; mắm muối ướt sũng. Củi chỗ nào để khô?! Nhưng
không thể không nấu nướng vì tiền đâu mà mua đồ ăn sẵn; giả dụ có muốn mua cũng
không biết mua ở chỗ nào trong cái vùng đất mà người ta nghèo kiết xác này! Ai
bán? bán cái gì? Ai mua?
Đã
ướt thì ướt tất cả: ngay cả cái bật lửa, không phải là cái bật lửa bằng ga hay
bằng điện như bây giờ, mà ruột của cái bật lửa được nhét đầy bằng bông gòn, tẩm
dầu lửa làm mồi cháy, nên khi bị ướt thì nó thấm đầy nước, dầu trôi đi hết,
không thể bắt lửa được, không đánh ra lửa được. Khi đã làm khô và bật được lửa
thì đèn dầu cũng úng nước, thắp mãi không sáng. Phải vất vả lắm mới có được mồi
lửa; rồi thì nhóm bếp: củi ướt sũng, tro trong bếp cũng vón cục lại vì nước mưa
hắt vào. Tất cả là một sự chống đối kịch liệt của góc bếp với con người cỏn con
ngơ dại.
Nấu
được một bữa cơm, hai con mắt sụp lại, nước mắt chảy ròng ròng vì khói; hai lỗ
tai lùng bùng, hai má phồng lên, thở dốc vì phải chổng mông lên mà thổi bếp.
Cái
thời ấy cũng qua đi. Người ta thay cái góc bếp xụp xệ nọ bằng một góc nhà gạch.
Bếp không còn là ba hòn đá chụm đầu vào nhau nữa mà là một cái bếp đúc bằng
xi-măng, cao đến bụng. Có hộc chứa củi cho nên không còn cảnh mưa dột hắt nữa.
Mắt đỡ húp, má đỡ phồng đi. Đứa trẻ con ngày ấy cũng lớn, nó lên phố để học,
tìm lấy “tí” hy vọng tươi sáng ở tương lai. Để lại góc bếp cho người mẹ cần
mẫn.
Thời
gian vẫn cứ vần vũ như gió thổi mây bay; ngày qua ngày, tháng đến năm. Những
ngày hè, những dịp tết, góc bếp lại xôn xao, tiếng củi khô nỏ cháy nổ lách tách
gợi nhớ về một thời mưa gió tuổi thơ. Hết kỳ nghỉ, góc bếp lại vắng, chỉ còn
lại bóng người già cỗi, chậm chạp ra vô. Rồi mỗi đứa con một nơi, vun vén cho
riêng mình, để sự đời, nước mắt luôn chảy xuôi xuống, mãi vẫn thế! Trả lại cho
góc bếp ấy bàn tay thô gầy guộc. Góc bếp lại đi vào dột hắt, mưa làm ướt củi,
khói ngập trời và ngày càng trở nên mù tối, ướt át.
Nhưng
bếp lửa vẫn cháy, hơi nóng vẫn tỏa ra, chăm chỉ đến miệt mài. Dẫu cho gối mỏi
tay run, bếp vẫn bập bùng ánh lửa như cố hâm nóng những tường gạch lạnh lùng
quanh đó, cố soi vào khoảng không dù thấy vô nghĩa, vẫn là tia lửa nồng nàn cho
những đứa trẻ lớn tuổi hôm nay.
29/8/2022
Nhận xét
Đăng nhận xét